Buôn lậu vàng ở Ấn độ trở nên sôi động hơn bao giờ hết !


Chính phủ Ấn Độ đã phải bãi bỏ “nghị định” kiểm soát vàng vào ngày 6/6/1990. Và cũng từ đây, nạn buôn lậu vàng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), từ giữa tháng 3 đến tháng 8/2013, Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10% so với 4% của giai đoạn trước đó nhằm kiểm soát các cân đối tài chính lớn. Tuy nhiên, chính sách này đã đẩy giá vàng tăng vọt, hiện đang ở mức 31.010 Rs/10gram, cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Vì vậy, nhập khẩu vàng lậu vào Ấn Độ sẽ thu lợi rất lớn.
Cũng theo WGC, khoảng 20% số vàng nhập khẩu vào Ấn Độ phải được tái đầu tư cho xuất khẩu. Nhưng, thay vì như mong đợi, nguồn vàng này lại chảy vào mục đích khác. Nhập khẩu vàng trong những tháng gần đây giảm xuống còn 20-30 tấn/tháng so với kỷ lục 162 tấn/tháng hồi tháng 5/2013.
Trong khi cũng theo WGC, nhu cầu vàng trong nước của Ấn Độ năm 2013 tăng vọt tới 18%, đứng mức 975 tấn. Một trong những lý do làm cho cơn sốt vàng ở Ấn Độ tăng nhanh là thói quen tích trữ vàng của người dân. Điều này càng khiến việc buôn lậu vàng ở quốc gia này thêm sôi động. Theo thống kê, tại Ấn Độ hiện có trên 70% hộ gia đình có thói quen tích vàng và BĐS.
Nạn buôn lậu vàng ở Ấn Độ phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi Bộ trưởng Tài chính Morarji Desai ký lệnh ban hành việc kiểm soát vàng ngày 24/8/1968, cấm công dân sở hữu vàng thỏi và tiền vàng. Sự cấm đoán này đã tạo ra thị trường đen chuyên kinh doanh trao đổi vàng, trong đó có sự góp sức của ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ vì đã tuyên truyền cho vàng.
Cuối cùng, Chính phủ Ấn Độ đã phải bãi bỏ “nghị định” kiểm soát vàng vào ngày 6/6/1990, mở đường cho việc tự do hóa nền kinh tế và cũng từ đây, nạn buôn lậu vàng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo WGC, hàng năm số lượng vàng nhập lậu vào Ấn Độ ước khoảng 150-200 tấn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 700 kg vàng được nhập lậu vào Ấn Độ dưới nhiều cách thức hết sức tinh vi nhằm che mắt lực lượng hải quan và an ninh cửa khẩu.
Trước đây, vàng được nấu chảy thành những con chip hình hạt giống được giấu trong các thùng chà là từ Dubai, hoặc nghiền thành hạt nhỏ, trộn với kim loại khác hay “chế tác” thành các vật dụng cá nhân như dây lưng, đèn pin, vỏ điện thoại di động, dây đeo đồng hồ… để dễ bề qua mắt các nhà chức trách.
Tháng 9/2013, trên chuyến bay Dubai – Kochi Emirates, hải quan đã bắt giữ một gia đình buôn lậu gồm một phụ nữ mang thai, chồng và một người bạn. Nếu nhìn bề ngoài không ai bảo họ là “con buôn” bởi ăn mặc quý phái, lịch sự nhưng trong hành lý của họ lại chứa tới 20 kg vàng miếng nguyên chất lậu.
Trước đó, vào tháng 10/2012, một nữ tiếp viên cùng bạn trai là kỹ sư phần mềm đã bị bắt với một số lượng vàng tương tự được quấn quanh bụng. Ngoài ra, còn một số vụ buôn lậu do chính các ngôi sao Bolywood (kinh đô điện ảnh của Ấn Độ giống như Hollywood của Mỹ) đã bị hải quan Ấn Độ bắt quả tang.
Chưa hết, tháng 11/2013, các nhân viên tại sân bay Kolkata, miền đông Ấn Độ đã phát hiện 24 kg vàng thỏi, tổng trị giá lên tới hơn 1 triệu USD được giấu trong nhà vệ sinh. Sau hơn 1 tháng kể từ khi số vàng được phát hiện vẫn chưa có ai đứng ra nhận.
Ước tính số vàng nhập lậu vào Ấn Độ hàng năm lớn hơn nhiều so với con số thống kê của WGC. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ bị phát hiện.
Trước tình hình buôn lậu vàng diễn ra sôi động và phức tạp, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế, tăng cường công tác kiểm soát an ninh và thực hiện nhiều biện pháp chống buôn lậu một cách quyết liệt như tăng cường nhân viên, cài đặt máy dò kim loại. Ngoài ra, Ấn Độ cũng hợp tác với các nước láng giềng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu như hợp tác với Sri Lanka, ban hành quy định giới hạn số vàng được phép đưa ra khỏi đất nước.
Tháng 8/2013, Pakistan cũng ra lệnh cấm nhập khẩu vàng trong vòng 1 tháng vì lo ngại số vàng đó sẽ tiếp tục được tuồn sang Ấn Độ. Hải quan tại Sân bay ở Mumbai còn treo giải thưởng cho người báo tin để bắt được đối tượng buôn lậu vàng lên đến 50.000 Rupee (khoảng 800 USD) cho mỗi kg vàng được tịch thu, đồng thời phạt nặng các trường hợp tiếp tay cho nạn buôn lậu, nhất là nhân viên hải quan, an ninh hay các tiếp viên hàng không như trường hợp đối với 3 nhân viên hải quan dính líu đến đường dây buôn lậu vàng hồi tháng 11/2013.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn xem xét lại các chính sách, rút kinh nghiệm ban hành quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng làm cho tình trạng buôn lậu vàng từ các nước láng giềng qua đường hàng không gia tăng; Đồng thời, xem xét việc giảm thuế nhập khẩu vàng theo đề xuất của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Đảng Quốc đại…
Theo Thoibaonganhang

Cập nhật Giá vàng trực tuyến và phân tích, nhận định gia vang hom nay mới nhất tại chuyên mục: Giá vàng