Giá sản xuất làm vơi đi nỗi lo giảm phát tại Trung Quốc


Trong tháng 3, giá sản xuất của Trung Quốc giảm ít hơn dự kiến còn lạm phát tiêu dùng thì không đổi, đã phần nào làm vơi bớt nỗi lo giảm phát trong ngành công nghiệp nước này.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết giá xuất xưởng tại các nhà máy giảm đi có thể dẫn tới một chính sách nới lỏng tiền tệ nhẹ nhàng hơn trong những tháng tới. Họ đã và đang theo dõi tiến trình của lạm phát trong năm nay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gia hạn chiến dịch nới lỏng được bắt đầu từ cuối năm 2014 mà đã góp phần thúc đẩy tín dụng nhưng vẫn chưa làm giá cả tăng lên đáng kể.
Giá sản xuất trong tháng 3 đã giảm 4,3% so với cùng kì năm ngoái nhưng với tốc độ chậm hơn so với dự báo trung bình 4,6% được đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters. Tính tới tháng 3 thì giá sản xuất tại Trung Quốc đã giảm tròn 4 năm.
Các nhà kinh tế cho biết giá sản xuất giảm với tốc độ chậm hơn là nhờ sự hồi phục trong giá hàng hóa toàn cầu cũng như hoạt động xây dựng trong nước có nhiều dấu hiệu tích cực.
“PPI đã được nâng lên nhờ bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng khởi sắc cùng với những lượng đơn hàng mới từ chính phủ”, Yang Zhao, giám đốc kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Nomura, Hong Kong cho biết.
“Nhìn chung, dữ liệu này rất phù hợp với thị trường tài chính. CPI không đổi và vì thế không nên có nhiều lo ngại về việc thắt chặt chính sách”.
Giá tiêu dùng tháng 3 tăng 2,3%, dưới mức dự báo 2,5% nhưng tương tự như tốc độ tăng trong tháng 2. Đây là đợt tăng nhanh nhất trong hơn 1 năm qua song chủ yếu do giá thực phẩm tăng mạnh bởi thời tiết khắc nghiệt bất thường.
Nhìn chung, các nhà kinh tế đồng tình rằng giá tiêu dùng tăng khoảng 2% không thể ngăn chặn ngân hàng trung ương nới lỏng thêm, mặc dù một vài ý kiến cho rằng tốc độ nới lỏng có thể sẽ chậm hơn.
“Dữ liệu hôm nay cho thấy PBOC sẽ “nhẹ tay” trong việc nới lỏng tiền tệ, và hiện giờ chúng ta mới chỉ thấy 1 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong năm 2016 thay vì 3 đợt”, ANZ cho biết trong một nghiên cứu.
Thế nhưng Julia Wang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng HSBC Hong Kong lưu ý rằng lạm phát các bặt hàng phi thực phẩm vẫn còn khá chậm chạp và vẫn cần phải điều chỉnh.
“Chúng tôi vẫn dự đoán CPI cả năm sẽ vẫn cách xa mục tiêu 3% của PBOC trong năm 2016, nên vẫn phải lưu ý nới lỏng thêm khi cần thiết”.
Một yếu tố quan trọng vẫn tiếp tục thúc đẩy giá tiêu dùng mà có chiều hướng đi ngang khoảng 1,5%/năm kể từ cuối năm 2014 là sức mạnh tương đối của thị trường lao động.
Tuy nhiên, số liệu gần đây vẽ lên một bức tranh khá hỗn loạn về điều kiện cho người lao động Trung Quốc. Trong khi chỉ số thu mua chính thức tháng 3 cho thấy tỉ lệ mất việc làm chậm đi thì một khảo sát khác của Caixin lại cho rằng điều kiện thị trường lao động đang kém đi cả trong ngành sản xuất và dịch vụ.
Năm 2015, Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 2 thập kỉ qua, do nền kinh tế nước này phải vật lộn với điều chỉnh mở rộng trong thị trường bất động sản, cầu trên toàn thế giới suy yếu và tình trạng nợ nần gia tăng tại các doanh nghiệp.
Nguồn Reuters/Đăng bởi: Tygiavang.vn

Cập nhật Giá vàng trực tuyến và phân tích, nhận định gia vang hom nay mới nhất tại chuyên mục: Giá vàng