Tâm điểm tuần này: Mây đen bao phủ Trung Quốc


Chỉ số S&P 500 của Mỹ khép lại tuần trước ở mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư thấy nhẹ nhõm sau khi số liệu việc làm mới nhất của Mỹ cung cấp bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiếp tục phục hồi, nhưng mây đen lại đang bao phủ lên Trung Quốc.
Báo cáo hôm thứ Sáu tuần trước của chính phủ Mỹ cho thấy việc làm của nước này tăng 175.000 người trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức dự báo của các nhà kinh tế, trong khi số liệu của tháng 1 cũng được điều chỉnh tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng từ 6,6% lên 6,7% do nhiều người bắt đầu đăng ký tìm kiếm việc làm.
Số liệu trên củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục giảm khối lượng mua trái phiếu hàng tháng, sau khi đã thực hiện hai đợt cắt giảm với khối lượng mỗi lần là 10 tỷ USD. FED sẽ có cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 18/3 tới.
Tuần trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 1% lên mức kỷ lục mới, còn chỉ số Nasdaq tăng 0,65%. Kể từ đầu năm 2014, chỉ số S&P 500 đã giành được 2%, Nasdaq tăng 4,1%, còn Dow Jones lại giảm 0,2%.
Số liệu kinh tế chủ chốt của Mỹ trong tuần này gồm cố chỉ số tâm lý doanh nghiệp nhỏ NFIB và doanh số bán buôn được công bố vào thứ Ba; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp, doanh số bán lẻ, giá xuất nhập khẩu, hàng tồn kho của các công ty được công bố vào thứ Năm; và tâm lý người tiêu dùng được công bố vào thứ Sáu.
Trước đó, thị trường sẽ theo dõi các bài phát biểu của một số quan chức FED về chính sách tiền tệ, ngân hàng và chủ nghĩa bảo hộ, chính sách kinh tế vào Thứ Hai.
Trong khi tập trung vào các tin tức tốt lành từ kinh tế Mỹ, giới đầu tư cũng sẽ để mắt đến những diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng tại Ucraina và ảnh hưởng của nó tới thị trường tài chính.
Trên thị trường Châu Âu, tuần trước chỉ số chứng khoán tổng hợp Stoxx 600 mất 1,5%, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,1%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,2%, chỉ số DAX của Đức rớt 2%.
Số liệu kinh tế của Đức trong tuần này có chỉ số tâm lý nhà đầu tư khối Euro của Sentix được công bố vào thứ Hai; cán cân thương mại của Đức được công bố vào thứ Ba; sản lượng công nghiệp khối Euro được công bố vào thứ Tư; CPI của Đức và việc làm của khối Euro được công bố vào thứ Sáu.
Nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tâm lý lo ngại này đã khiến giá vàng giảm 9% kể từ đầu năm nay, mức giảm nhiều nhất trong số 34 loại hàng hóa được Bloomberg theo dõi. Hôm thứ Sáu tuần trước, giá đồng kỳ hạn giảm 4,2% xuống 3,0825 USD/ pound.
Có thêm bằng chứng củng cố lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc vào dịp cuối tuần vừa qua. Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 2, với mức giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới phân tích, số liệu trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với áp lực kinh tế giảm tốc tương đối mạnh và chính sách vĩ mô cần phải được nới lỏng đôi chút.
Theo NDH

Cập nhật Giá vàng trực tuyến và phân tích, nhận định gia vang hom nay mới nhất tại chuyên mục: Giá vàng