Kinh tế Việt Nam vẫn có thể gặp một số rủi ro


Theo Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB), dự trữ ngoại hối cải thiện trong những tháng đầu năm nhờ cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 9,3% GDP. Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố ngày 12/7/2013, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu (quý I/2012) lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu trong quý I/2013.
Ngoài ra, Word Bank (WB) cũng chỉ ra những kết quả khả quan của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đó là môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; lạm phát ở mức vừa phải 6,7% (tháng 6/2013). Tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài; tỷ giá giao dịch trung bình của ngân hàng thương mại chỉ tăng khoảng 1,6% trong vòng 12 tháng qua. Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện; tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng (CDS) giảm từ mức 350 điểm cơ bản (tháng 6/2012) xuống khoảng 250 điểm cơ bản (tháng 6/2013).
Theo đánh giá của WB, trong vòng 2 năm qua, dự trữ ngoại hối đã tăng gấp đôi. Dự trữ ngoại hối cải thiện trong những tháng đầu năm nhờ cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 9,3% GDP

Dự trữ ngoại hối cải thiện trong những tháng đầu năm nhờ cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 9,3% GDP
Xuất khẩu của Việt Nam tăng ở mức cao nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn nhất (9,9 tỷ USD) và vượt qua các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như: Dầu thô, may mặc,… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiểm chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2012, Việt Nam đạt tăng dư thương mại lần đầu tiên kể từ 1992. Mặc dù nhập khẩu đã cải thiện nhưng mức thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm ước ở mức thấp, khoảng 1,4 tỷ USD.
Cũng trong năm 2012, Việt Nam đạt thăng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục. Đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP (năm 2009) sang mức thặng dư 5,9% (năm 2012). Cán cân vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy mức độ sẽ thấp hơn năm 2012.
Tuy nhiên, về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo báo cáo của WB, nền kinh tế Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 80.
Trong năm 2012, tăng trưởng GDP tăng 5,25% (theo giá so sánh 2010), mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Từ năm 2010 đến 2013, Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Indonesia và Philippines. Ngoài ra, tỉ lệ đầu tư giảm. Chỉ số mua hàng của nhà quản trị (PMI) giảm và bán lẻ cũng tăng chậm. Cụ thể, tổng đầu tư giảm còn 29,6% GDP trong quý I năm 2013 (từ 38,5% năm 2010). Chỉ số PMI vẫn nằm dưới mức 50 cho phần lớn năm 2012 và 2013 (PMI dưới ngưỡng 50 biểu thị sản xuất giảm sút). Tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ (tính giá trị danh nghĩa) đã giảm từ 24% năm 2011 xuống 16% năm 2012 và còn 11,9% trong nửa đầu năm 2013.
Theo WB, triển vọng trong ngắn hạn trong năm 2013, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước tính ở mức 5,3% và khoảng 5,4% vào năm 2014. Lạm phát dự kiến ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013.
Báo cáo của WB cũng đã chỉ ra, nền kinh tế có thể gặp phải một vài rủi ro chính: Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa; từ đó, sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả của ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng.
Theo VnMedia

Cập nhật Giá vàng trực tuyến và phân tích, nhận định gia vang hom nay mới nhất tại chuyên mục: Giá vàng